Văn hóa và ngôn ngữ Người_Arem

Thời điểm được phát hiện, người ta kết luận tộc người Arem ngoài cuộc sống ăn lông ở lỗ ra họ không có bất cứ tài sản nào về tinh thần. Thế nhưng mới đây, cùng với sự hồi sinh mạnh mẽ, các nhà khoa học còn khẳng định, người Arem còn giữ được gia tài văn hoá rất đặc biệt. Họ có ngôn ngữ, có phong tục và những bí ẩn lạ lẫm khác.[4]

Hiện nay ngôn ngữ Arem chỉ còn mỗi tiếng nói, không ai tìm được gia tài chữ viết của họ cất giấu ở đâu. Tuy còn tiếng nói nhưng người Arem chỉ dùng trong cộng đồng. Những tộc người láng giềng như Ma Coong, Rục, Mày, Sách, Kinh… ít người nói được tiếng Arem vì một phần tiếng Arem khó nói, một phần người Arem rất có ý thức giấu tiếng nói của mình. Nhưng hầu như người Arem nào cũng nói được tiếng của những tộc người láng giềng, gặp người Khùa họ nói tiếng Khùa, gặp người Ma Coong họ dùng tiếng Ma Coong để giao tiếp…[4]

Tộc người Arem thích sinh con gái, mỗi dịp ai sinh con gái họ liền mở rượu ăn mừng. Vì con gái là tài sản quý của dòng họ. Con gái đến tuổi lấy chồng, con trai phải làm lễ bỏ của theo yêu cầu của nhà gái". Lễ bỏ của phải có năm hũ rượu, mười nén bạc, hai con gà trống và tiền mặt. Lễ bỏ của bên nhà gái do cậu ruột quyết định và hưởng trọn vẹn, bố mẹ của cô gái không được gì. Cưới xong cô gái đi làm dâu, nếu bên chồng làm việc gì để cô gái bỏ về thì chồng phải chuẩn bị 3 hũ rượu, ba con gà trống và cả tiền mặt nữa qua nhà gái gặp cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về, nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi.[4]

Trong cuộc sống hàng ngày, người Arem cũng có cúng. Họ cúng tổ tiên mà họ hiểu là ma nhà và họ cũng cúng cả ma rừng khi có một sự kiện gì đấy. Việc cúng tổ tiên - ma nhà của người Arem cũng thật đơn giản cả về lý do về lễ cúng và lời cúng. Lời cúng sẽ có nội dung là nhân có người đến nhà, có gạo ngon nấu cơm, có rượu ngon để uống, xin mời tổ tiên - ma nhà cùng ăn, cùng uống cho vui và ăn uống xong, mong ma nhà phù hộ cho mọi người khỏe mạnh…

Người Arem có tục nối dây, người em trai hoặc anh trai có vợ mất thì người anh trai hoặc em trai phải lấy chị dâu hoặc em dâu làm vợ.Tuy nhiên, tục lệ này cùng một số tập tục cũ lạc hậu đã dần bị bãi bỏ.[5]